Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

Việt Sử: Nhà Hồ (1400 - 1407)


1) Năm 1400, Lê Quý Ly soán ngôi Nhà Trần, phế bỏ Trần Thiếu Đế, tự xưng làm vua, rồi lấy lại họ cũ là họ Hồ, tức Hồ Quý Ly. Trần Thiếu Đế bị giáng xuống làm Bảo Ninh Vương. Hồ Quý Ly đặt tên nước là Đại Ngu vì họ Hồ vốn là dòng dõi nhà Ngu bên Tàu.







2) Hồ Quý Ly làm vua chưa được một năm, thì nhường ngôi cho con thứ là Hồ Hán Thương, rồi lên làm Thái Thượng Hoàng nhưng vẫn quyết đoán mọi việc cai trị . Trong triều, Hồ Hán Thương làm vua chỉ là hình thức . 

 
3) Mặc dù Hồ Quý Ly trị vì không lâu, nhưng Hồ Quý Ly đã có nhiều cải cách có lợi cho dân, cho nước .
VỀ ĐỐI NỘI
Trước hết Quý Ly cho sửa sang lại việc võ bị để sẵn sàng đối phó với nhà Minh. Ông cho lập sổ hộ tịch, người dân từ 2 tuổi trở lên, đều phải ghi tên vào sổ. Dân chúng, ai mà ẩn lậu, không khai, sẽ bị phạt nặng. Vì thế, Quý Ly biết rõ số dân từ 15 tuổi trở lên, để khi cần đến sẽ gọi ra đi lính.


4) Quý Ly sai đóng nhiều thuyền lớn để dùng cho thủy binh. Thuyền nào cũng có sàn gỗ vững chắc ở trên để dễ dàng đi lại, tập luyện. Hầm ở phía dưới dành cho người chèo thuyền. Mỗi thuyền có tới hai, ba chục người chèo ở hai bên mạn thuyền, nên tiến hoặc lui rất mau lẹ.  

5) Hồ Quý Ly còn cho xây bốn kho lớn để chứa khí giới. Rồi ông cho gọi những thợ rèn khéo tay ở khắp mọi nơi về, giao cho họ đánh sẵn thật nhiều gươm, đao, giáo, mác. Được bao nhiêu khí giới lại đem chất vào kho, để sẽ dùng tới, một khi có chiến tranh với nhà Minh.  



6) Mọi cửa sông chảy ra biển đều được đóng cọc nhọn, bịt sắt, để ngăn chặn tàu, thuyền địch tràn vào. Những nơi hiểm yếu đều có quân đóng giữ để canh phòng giặc và kiểm soát tàu thuyền cùng dân chúng qua lại.  



 
7) Quân lính được chia thành từng đội, từng doanh, từng vệ. Cứ 18 người thì họp lại thành một đội. Mỗi doanh có 15 đội và mỗi vệ có 18 đội. Hàng ngày, đội trưởng họp 18 đội viên lại, để dạy cho những người này cách múa gươm, ném giáo và bắn tên nhằm vào giữa hồng tâm.  


  

8) Theo lệ mới thì người giàu chỉ được giữ lại 10 mẫu ruộng để cày cấy. Còn thừa phải đem nộp quan để chia cho người nghèo. Người đi buôn hoặc làm ruộng đều phải đóng thuế. Người già, trẻ con, không làm gì ra tiền, đều được miễn thuế.  

9) Năm 1403, Quý Ly bắt dân chúng ở khắp mọi nơi trong nước, đều phải dùng một thứ thước, một loại đấu giống nhau để đo vải hoặc đong thóc. Ông lại đặt ra chức giám thị ở các chợ, để kiểm soát cách dùng thước và đấu.  


10) Việc mua bán, trao đổi, từ trước vẫn dùng loại tiền đúc bằng đồng hoặc bằng kẽm, xâu thành từng quan tiền, phải vác hoặc gánh đi chợ, để mua bán rất nặng nề. Quý Ly đặt ra loại tiền giấy, rồi mọi người mang tiền đồng, tiền kẽm tới, đổi lấy tiền giấy, đem về tiêu, vừa nhẹ nhàng, lại vừa tiện lợi.


 11) Tiền giấy về đời nhà Hồ có nhiều loại. Loại 10 đồng thì vẽ cây rêu biển, loại một tiền (tức 60 đồng) thì vẽ đám mây, loại một quan (tức 10 tiền) thì vẽ con rồng. Tiền giấy phát ra, dân chúng phải tiêu. Tiền đồng, tiền kẽm đổi được của dân, phải đem nộp vào kho.  


12) Việc học, việc thi đều được sửa đổi lại. Trong các khoa thi, đặt thêm ra kỳ thi toán pháp. Các thầy khóa đi thi, ngoài phần văn bài, còn phải biết dùng thước để đo, dùng bàn tính để làm tính. Thi đỗ (đậu) được gọi là Thái học sinh.

13) Hồ Quý Ly còn đặt ra sở Quảng tế thự (như là nhà thương bây giờ) để chữa bệnh cho quan và dân. Nguyễn Đại Năng được cử giữ chức Quảng tế thự thừa, để trông coi sở này. Hàng ngày, rất đông dân chúng đến Quảng tế thự để xin được bắt mạch, xem bệnh và kê đơn thuốc...  



(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét