Thứ Năm, 14 tháng 4, 2011

WK 8 - Tuần Lễ 8

I. Tập đọc và viết chính tả


Nam Quốc Sơn Hà


"Nam Quốc Sơn Hà" là tên một bài thơ nổi tiếng do Lý Thường Kiệt sáng tác. Bài thơ như là một bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta.
Năm 1077, Lý Thường Kiệt thống lĩnh quân ta chống giặc Tống do Quách Quỳ chỉ huy trên sông Như Nguyệt. Trong lúc quân ta đang gặp khó khăn thì vào ban đêm, quân sĩ hai bên bỗng nghe tiếng ngâm thơ phát ra từ bên trong một ngôi miếu bên bờ sông:


Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư


Bài thơ được dịch như sau:


Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!


Lý Thường Kiệt đã cho người vào bên trong miếu kia, giả làm vị thần ngâm bài thơ trên để khích lệ tinh thần chống giặc của quân ta. Việc này cũng đã làm cho quân giặc hoang mang và mất tinh thần. Cuối cùng quân ta đã đánh bại quân Tống trong trận chiến trên sông Như Nguyệt.


o0o


Ngữ vựng:


Nam Quốc Sơn Hà: Sông núi của nước Nam.
- Nổi tiếng: được rất nhiều người biết đến.
- Sáng tác: viết ra, làm ra.
- Bản tuyên ngôn độc lập: bản lên tiếng mạnh mẽ về quyền tự trị của đất nước, không lệ thuộc vào bất cứ quốc gia nào.
- Thống lĩnh: chỉ huy
- Quân sĩ: quân lính, binh lính.
- Xâm phạm: vi phạm luật định, chiếm đoạt quyền lợi của người khác.
- Tơi bời: tan tác, tan tành, không còn nguyên vẹn nữa.
ngôi miếu: đền thờ nhỏ.
hoang mang: không nhận biết được đúng hay sai.


Câu hỏi:



1. Bài thơ "Nam Quốc Sơn Hà" xuất hiện vào năm nào?
2. Lúc đó quân ta đang đánh nhau với quân giặc nào?
3. Trận đánh đó xảy ra ở đâu?
4. Ai là người chỉ huy quân ta?
5. Ai là người chỉ huy quân Tống?

6. Bài thơ nói, nếu giặc sang xâm phạm nước ta thì sẽ bị gì?
7. Bài thơ này đã giúp gì cho quân ta?
8. Quân nào thua trong trận chiến trên sông Như Nguyệt?







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét