Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Nhà Hậu Lý Thời Kỳ Hưng Thịnh

 (1010 - 1225) - (Tiếp theo)
o0o 


V. LÝ THẦN-TÔN (1128-1138).  
 Lý Nhân-tôn không có con, lập con của hoàng-đệ là Sùng-hiền-hầu lên làm thái-tử, nay lên nối ngôi, tức là vua Lý Thần-Tôn.  Bấy giờ có các quan đại-thần là bọn ông Trương Bá Ngọc, Lưu Khánh Đàm, Dương Anh Nhị giúp Thần-tông trị nước. Ngài vừa lên ngôi thì đại xá cho các tù phạm, và trả lại những ruộng đất tịch thu của quan dân ngày trước. Quân lính thì cho đổi phiên, cứ lần lượt 6 tháng một, được về làm ruộng. Như thế việc binh không làm ngăn-trở việc canh-nông.
 
Giặc-giã thời bấy giờ cũng ít. Một hai khi có người Chân-lạp và người Chiêm-thành sang quấy nhiễu ở mạn Nghệ-An, nhưng đó là những đám cướp-phá vặt vãnh không mấy nỗi mà quan quân đánh đuổi đi được.

 Lý Thần Tôn làm vua được 10 năm thì mất, thọ 23 tuổi.

*Ghi chú:
 -
Chân Lạp: Có lẽ là nhà nước đầu tiên của người Khmer tồn tại trong giai đoạn từ khoảng năm 550 tới năm 802 trên phần phía nam của bán đảo Đông Dương gồm cả Campuchia và một số tỉnh phía nam của Việt Nam hiện đại. 
 
 -Chiêm Thành : là tên gọi của vương quốc Chăm Pa .
 


VI. LÝ ANH-TÔN (1138-1175) 
1. Đỗ Anh Vũ.  Lý Thần-tôn mất, triều đình tôn Thái-tử là Thiên Tộ lên làm vua, tức là vua Lý Anh-tôn.
Lý Anh-tôn bấy giờ mới có 3 tuổi, Thái-hậu là Lê-thị cầm quyền nhiếp chính. Lê Thái-hậu lại tư thông với Đỗ anh Vũ, cho nên bất cứ
việc gì đều do Đỗ anh Vũ quyết đoán cả. Đỗ anh Vũ được thể ra vào chỗ cung cấm, kiêu ngạo và khinh-dể đình-thần. Các quan như  Vũ Đái, Nguyễn Dương, Nguyễn Quốc và Dương tự Minh thấy Đỗ anh Vũ lộng quyền quá độ, đều lo mưu trừ đi, nhưng sự không thành lại bị giết-hại cả.  May nhờ thời bấy giờ có nhiều tôi giỏi như Tô hiến Thành, Hoàng
nghĩa Hiền, Lý công Tín làm quan đại triều cho nên Đỗ anh Vũ không dám có ý khác.



2. Tô Hiến Thành.  Ông Tô hiến Thành giúp vua Anh-tôn đi đánh dẹp, lập được nhiều công to, như là bắt được giặc Thân Lợi, phá được giặc Ngưu Hống và dẹp yên giặc Lào, được phong làm chức Thái-úy coi giữ việc binh. Ông luyện tập quân-lính, kén-chọn những người tài giỏi để làm tướng hiệu. Bởi vậy binh-thế nhà Lý lúc bấy giờ lại phấn-chấn lên. Ông giỏi việc võ và chăm việc văn. Ông xin vua khai-hóa việc học-hành, và làm đền thờ đức Khổng-Tử ở cửa nam thành Thăng-Long, để tỏ lòng mộ nho học.

3. Giặc Thân Lợi. Vua
Anh-tôn vừa mới lên làm vua được 2 năm, thì ở mạn Thái-nguyên có giặc Thân-Lợi làm loạn. Thân Lợi xưng là con riêng vua Nhân-tông, trước đã xuất gia đi tu, rồi chiêu tập những đồ vong mạng hơn 1,000 người, chiếm giử mạn Thái-nguyên, xưng vương phong tước, đem quân đi đánh phá khắp nơi. Quan quân đánh mãi không được.

Năm Tân-Dậu (1141) Thân Lợi về vây phủ Phú-lương, Đỗ anh Vũ đem quân lên đánh, Thân Lợi chạy lên Lạng-châu, tức là Lạng-sơn bị ông Tô hiến Thành đuổi bắt được, đem về kinh làm tội.

Năm ất-mùi (1175),  Lý Anh-tôn phong cho Tô hiến Thành làm Thái phó Bình-chương-quân-quốc trọng-sự và phong vương tước.   Anh-tôn đau, uỷ  thác Thái-tử là Long Cán cho Tô hiến Thành.  Lý Anh-tôn mất, trị vì được 37 năm, thọ 40 tuổi.






 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét