Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

WK 2 - TUẦN LỄ 2

I. Tập đọc và Chính tả


Hướng Dẫn Về Cách Đi Bộ


Tập thể dục giúp cho thân thể khỏe mạnh. Nhưng không phải ai cũng muốn chơi bóng rổ hay tập võ. May thay có một cách tập thể dục mà không cần dụng cụ hoặc học hỏi nhiều. Đó là đi bộ đường dài.

Đi bộ đường dài là cuộc đi bộ xa và lên xuống những ngọn đồi hay con dốc. Nhiều người đi bộ trong những khu đồi núi, nhưng đa số chúng ta đi bộ vòng quanh khu phố của mình. Đi bộ không cần dụng cụ nhiều ngoài một ít đồ ăn khô, một chai nước và một đôi giầy êm ái.

Đôi giầy là vật rất quan trọng. Đôi giầy không vừa sẽ làm phồng da chân; và ta sẽ không thể đi xa được. Nước uống và đồ ăn khô cũng quan trọng không kém. Đi bộ lâu sẽ mất nhiều sức lực và nước trong người. Chúng ta cần bồi bổ sức lực và uống nước trên đường đi để có thể trèo qua những ngọn đồi cao.




Ngữ vựng:


- hướng dẫn: chỉ bảo, hướng dẫn cho biết phương cách.
- thân thể: phần xác thịt của một động vật.
- dụng cụ: đồ dùng để làm việc.
- con dốc: đường lên, xuống đầu cao đầu thấp.
- êm ái: êm, nhẹ, gây cảm giác dễ chịu.
- phồng da: chỗ da bị phồng lên vì cọ xát hoặc bị phỏng.
- bồi bổ: làm cho tăng sức của cơ thể bằng chất bổ.




Câu hỏi:


1. Tập thể dục giúp gì cho ta?


2. Đi bộ đường dài có nghĩa là gì?



3. Thứ gì cần nhất cho đi bộ đường dài? Tại sao?


4. Sự quan trọng của đồ ăn khô và nước uống cho đi bộ đường dài thế nào?






II. Tập Làm Văn




TẢ CẢNH


Tả cảnh là cách diễn tả về quang cảnh của một nơi, một vùng ở vào thời điểm nhất định ...
Thí dụ như tả cảnh chùa trong ngày rằm, hay là tả cảnh nhà thờ vào chiều Chủ Nhật v.v...

 Cảnh có nhiều loại: 



-Cảnh gia đình thân mật
-Cảnh bạn bè sum họp
-Cảnh tôn nghiêm thanh vắng
-Cảnh sinh hoạt náo nhiệt như khu chợ, hội chợ, đá banh, phố thị ...
-Cảnh thiên nhiên: rừng núi, sông biển, đồng quê ...


Mỗi quang cảnh đều có lối tả riêng. Tuy nhiên ta có thể làm một dàn bài chung cho các loại tả cảnh.
DÀN BÀI

1. Mở bài: (Ở phần này, học sinh cần phải giới thiệu cảnh sắp tả (Cái gì?); được thấy cảnh ấy (Khi nào?); cảnh ấy (Ở đâu?)

2. Thân bài: (Ở phần này các em sẽ phải tả từng chi tiết (từ xa đến gần, từ trước ra sau, từ trái sang phải và tất cả màu sắc, âm thanh, hình dáng và hương vị nếu có) của cảnh ấy. Em tả chi tiết càng tỉ mỉ bao nhiêu, bài luận văn mới dễ lôi cuốn người đọc .

3. Kết luận: Nhận xét của em khi đến thăm viếng cảnh đó; gồm có vui, buồn, thích thú và gợi cho em nhớ những gì ? Thêm vào là lời hứa của em với cảnh trí ấy.



Bài tập về nhà: (Áp dụng dàn bài ở trên)

Em hãy tả bữa cơm chiều của gia đình em.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét