Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2011

WK 12 - Tuần Lễ 12


Tập đọc và Chính tả


 Sự Tích Chùa Long Giáng 

Chùa Long Giáng là một danh lam thắng cảnh ở miền Bắc Việt Nam. 

Chuyện kể  rằng: Vua Lý Thái Tổ có  công chúa  Văn Khôi rất xinh  đẹp.  Đến tuổi trưởng thành, công chúa chỉ muốn ngày đêm học đạo, tu hành mà không nghĩ đến việc lấy chồng. Sau đó, vì nhà vua có ý kén phò mã, công chúa liền đang đêm lẻn trốn ra khỏi kinh thành, đến xin tu ở  một ngôi chùa nhỏ thuộc tỉnh Bắc Ninh. Được tin, nhà vua sai quan quân đến chùa rước công chúa về triều. Công chúa nhất  định không nghe. Nhà vua nổi giận, truyền quan quân nổi lửa đốt chùa. Nhưng lạ thay ! Ngọn lửa vừa nhóm bỗng một con rồng vàng hiện lên phun nước, ngọn lửa tắt ngay. Nhà vua nghe tin cả sợ. Từ đó, ngài hết lòng tin theo đạo Phật và cho sửa sang chùa để công chúa ở lại tu hành.  

Ngôi chùa này do đó được lấy tên là Long Giáng. Có nghĩa là rồng hiện xuống. Từ đó đến nay, đã bao phen trùng tu nhưng kiểu chùa vẫn được giữ nguyên như cũ. 

Theo  Khái Hưng 
(Hồn Bướm Mơ Tiên) 



Ngữ vựng:

-  Danh lam thắng cảnh:  Nơi có di tích nổi tiếng hoặc có phong cảnh đẹp.
-  Lý Thái Tổ:  Vị vua đầu tiên của nhà Lý, tên thật là Lý Công Uẩn

- Công chúa:  Con gái vua.
- K
én: Lựa chọn. 
-  Phò mã:  Con rể vua.
- Trùng tu:  Sửa sang lại.  



Câu hỏi:



1- Chùa Long Giáng như thế nào?
2- Lý do nào vua Lý Thái Tổ nổi giận, truyền lệnh đốt chùa?
3- Tên Long Giáng có nghĩa là gì?
4- Trùng tu có nghĩa là gì?
5- Qua nhiều lần trùng tu, kiểu chùa Long Giáng như thế nào?









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét