Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011

Trịnh, Nguyễn Phân Tranh

(1627 - 1672)



1. Họ Trịnh và Họ Nguyễn xưng Chúa


Thời kỳ Trung Hưng Vua Lê chỉ còn có hư vị . Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn chia nhau nắm quyền hành và củng cố cơ nghiệp riêng .

* Ở Bắc, Chúa Trịnh sửa sang quan chế, giảm nhẹ hình phạt, cho khai mỏ, đặt thuế mới, mở cảng Phố Hiến để phát triển thương mại . Về quân sự, Chúa Trịnh cho mở trường võ bị đặt lệ thi võ, sai người viết Quốc sử, chăm lo luyện tập binh sĩ để đánh dẹp các cuộc nổi loạn .

* Trong Nam, Chúa Nguyễn tổ chức việc hành chánh, đặt thuế xuất nhập cảng, mở cảng Hội An, đặt lệ thi để tuyển chọn người tài giỏi . Về quân sự, Chúa Nguyễn mở xưởng đúc súng đại bác và tập luyện binh sĩ bắn súng . Nhưng sự nghiệp quan trọng của Chúa Nguyễn là việc mở mang bờ cõi về phương Nam; Đó là Chúa Nguyễn chiếm nốt đất Chiêm Thành .


Khi Nguyễn Hoàng được Trịnh Kiểm sai vào trấn giữ đất Thuận Hoá thì nước ta lúc ấy ranh giới chỉ mới có đến vùng Bình Định ngày nay . Nguyên do vì quân Chiêm sang đánh vùng Bình Định, Nguyễn Hoàng đem quân vào đánh Phú Yên . Rồi từ đó các Chúa của họ Nguyễn nối tiếp nhau lần lượt chiếm nót đất Chiêm Thành còn lại , để lập ra các tỉnh phía Nam miền Trung Việt . Vùng đất Biên Hoà, Bà Rịa ngày nay, thuở đó thuộc quyền của Vua người Chân Lạp, nhưng nhờ sự giao thiệp khéo léo của Chúa Nguyễn, vua Chân Lạp cho dân ta đến làm ăn ở Thuỷ Chân Lạp, rồi lần hồi nhường phần đất này cho nước ta . Chúa Nguyễn đưa dân đến đó cầy cấy, lập nghiệp, tạo thành đất Nam Việt bây giờ .

2. Trịnh, Nguyễn Phân Tranh: Họ Trịnh và họ Nguyễn đều lấy danh nghĩa phù Lê để tranh nhau thế lực rồi sinh ra đánh nhau . Quân của Chúa Trịnh mạnh hơn, nhưng vì ở xa nên mỗi khi di chuyển xa xôi vất vả . Quân của Chúa Nguyễn yếu hơn, nhưng tướng sĩ một lòng và nhờ có đồn luỹ chắc chắn như Luỹ Trường Dục và Luỹ Thầy .

Trong 45 năm, Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn đánh nhau 7 lần .

Lần thứ 3, quân Chúa Nguyễn thắng to, đốt được tầu chiến của người Hoà Lan tiếp viện cho Chúa Trịnh .

Lần thứ 4, quân Chúa Trịnh chiếm được Luỹ Thầy nhưng rồi bị tượng binh của Chúa Nguyễn phá tan .

Lần thứ 5, quân Chúa Nguyễn đánh chiếm được 7 huyện của Chúa Trịnh nhưng rồi cũng bỏ, rút quân về Nam .

Hai bên đánh nhau không phân thắng bại, chỉ làm khổ cho dân chúng . Cuối cùng phải giảng hoà, lấy sông Gianh làm ranh giới chia đôi đất nước .

Cuộc sống hoà bình kéo dài 100 năm; cho tới khi Tây Sơn khởi nghĩa .



o0o 

Tóm Tắt Bài Học Việt Sử:
  Họ Trịnh và Họ Nguyễn xưng Chúa


1)  Ai là người nắm quyền cai trị ở ngoài Bắc?
2)  Ai là người nắm quyền cai trị ở trong Nam?
3)  Ở Bắc, Chúa Trịnh cai trị như thế nào?
4)  Chúa Nguyễn cai trị trong Nam ra sao?
5)  Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn tranh dành quyền lực kéo dài bao nhiêu năm ?  Đã xẩy ra bao nhiêu cuộc chiến?
6)  Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn giải hoà đã dùng con sông nào để làm ranh giới chia đôi đất nước?
















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét